ã Khánh Thịnh có tổng diện tích tự nhiên 418,82 ha, trong đó đất nông nghiệp 288,62 ha, (chiếm 68,9%), đất trồng lúa 271,76 ha (chiếm 64,9%), đất nuôi trồng thủy sản 11,23 ha (chiếm 2,7%), đất phi nông nghiệp 116,28 ha (chiếm 27,8%), đất ở 28,54 ha (chiếm 6,8%), đất chuyên dùng 63,53 ha (chiếm 15,2%), đất chưa sử dụng 13,92 ha (chiếm 3,3%). Toàn xã có 10 thôn (xóm) với 1.374 hộ, 4.278 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 288 đảng viên, với 15 chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 chi bộ thôn (xóm)
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Huyện ủy, HĐND&UBND huyện Yên Mô; sự phối hợp, giúp đỡ của các phòng, ban ngành, đoàn thể; sự tập trung lãnh đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến thôn, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể chính trị và sự đồng lòng của nhân dân trong xã, năm 2017, xã Khánh Thịnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả rất tích cực, đem lại sự đổi thay toàn diện, vượt bậc. Điển hình, Khánh Thịnh được đánh giá là xã có hệ thống nhà ở dân cư kiên cố, khang trang và đẹp thuộc tốp đầu của huyện. Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn hiện ở mức cao 99%.
Phát huy kết quả đã đạt được, từ tháng 5/2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Thịnh đã bắt tay vào triển khai lộ trình thực hiện 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Ninh Bình theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã, với mục tiêu đề ra là hoàn thành các tiêu chí vào tháng 11/2022. Lộ trình thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của xã Khánh Thịnh được xây dựng rất khoa học, với các tiêu chí rất rõ ràng, cụ thể để tạo thuận lợi cho việc triển khai như các tiêu chí về giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; giáo dục; văn hóa; dịch vụ và thương mại…
Trong đó, đáng chú ý, quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc tăng trưởng kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, các tiêu chí về giáo dục và văn hóa rất được chú trọng trong lộ trình thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của xã Khánh Thịnh. Trong đó, về giáo dục, xã chủ trương xây dựng trường Mầm Non ở khu mới nhằm đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Thời gian thực hiện là từ tháng 12/2021 đến tháng 10/2022. Về văn hóa, xã Khánh Thịnh sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho nhân dân trong toàn xã.
Hình ảnh xã Khánh Thịnh trong buổi lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 2017. |
Trong bối cảnh đời sống nhân dân trên địa bàn xã đã được nâng lên nhưng vẫn nằm ở nhóm các xã trung bình khá, xã đang tích động viên con em tham gia lao động sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp, dịch vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập với mục tiêu đến tháng 10/2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 56,1 triệu đồng. Về lao động, toàn xã phấn đấu đến tháng10/2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 50%. Với tiêu chí hành chính công, UBND xã đã đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ cho việc chuyển đổi số, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, tham quan học hỏi mô hình về chuyển đổi số. Xã đặt mục tiêu phấn đấu đến tháng 12/2022 UBND sẽ chuyển đổi số thành công.
Trong lĩnh vực môi trường, bắt đầu từ tháng 1/2022, UBND xã Khánh Thịnh triển khai động viên nhân dân tiến hành phân loại chất thải rắn trên địa bàn nhất là chất thải sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đưa Khánh Thịnh trở thành xã đầu tiên của huyện Yên Mô thực hiện thành công việc phân loại chất thải rắn.
Phấn đấu đưa Yên Mô thành huyện nông thôn mới nâng cao
Những mục tiêu mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Khánh Thịnh đang hướng đến là một phần trong các nỗ lực chung nhằm xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở Yên Mô. Năm 2020, sau 9 năm triển khai thực hiện, huyện Yên Mô đã có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), 2 xã (Yên Từ và Yên Hòa) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 1113/QĐ-TTg ngày 09/7/2021.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế so sánh, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Không ngừng củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, y tế, văn hóa, giáo dục và môi trường, hiện, huyện Yên Mô đang triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Huyện đặt mục tiêu duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo quy định và yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; đến năm 2025, phấn đấu có 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, 20% số thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu duy trì, nâng cao 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; giữ vững số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (16/16 xã); duy trì, giữ vững 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là các xã Yên Lâm, Yên Thắng, Khánh Thịnh, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên Thái và Khánh Thượng; mỗi năm ít nhất có 7 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu huyện Yên Mô là huyện nông thôn mới nâng cao.
Hướng tới các mục tiêu trên, huyện Yên Mô đề ra một số nội dung về nâng cao chất lượng các tiêu chí. Điển hình, về quy hoạch, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới của các địa phương và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của xã đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch của tỉnh, huyện, đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đổi mới phương thức canh tác; vận động, khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất với quy mô lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo bền vững.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường cũng rất được chú trọng với các công việc như đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Duy trì bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật hát chèo, hát xẩm... Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ hát xẩm góp phần phát triển du lịch của huyện. Xây dựng trung tâm bảo tồn hát xẩm Hà Thị Cầu để giới thiệu với du khách và giữ gìn, phát triển hát xẩm ở địa phương…
Với những nội dung, tiêu chí cụ thể như vậy, tin tưởng rằng huyện Yên Mô nói chung, xã Khánh Thịnh nói riêng sẽ sớm đạt được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao đề ra, đưa địa phương ngày càng phát triển đi lên, cải thiện đời sống người dân, từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đề ra.
Nguồn: https://baophapluat.vn/